TÓM TẮT NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
Trong bài viết này, các tác giả thảo luận bốn lĩnh vực chính của xu hướng “đột phá” (disruption – sự đột phá, thay đổi hoàn toàn cách thức vận hành cũ) mà các công ty logistics cần tập trung vào tại thời điểm này, đồng thời khám phá những tình huống có thể xảy ra của ngành vận tải và logistics (Transportation and Logistics – T&L) trong tương lai.
- Bốn lĩnh vực chính của xu hướng đột phá
Kỳ vọng của khách hàng ngày càng tăng lên đáng kể. Cả người tiêu dùng cá nhân và doanh nghiệp đều mong đợi có được hàng hóa nhanh hơn, linh hoạt hơn và – trong trường hợp của người tiêu dùng – với chi phí giao hàng thấp nhất hoặc miễn phí. Sản xuất ngày càng trở nên tùy biến, điều thật sự tốt cho khách hàng, nhưng lại là công việc khó khăn cho ngành logistics. Tất cả những điều này cộng thêm ngành đang chịu sức ép nghiêm trọng và ngày càng tăng trong việc cung cấp một dịch vụ tốt hơn với chi phí thấp hơn bao giờ hết.
Điều này chỉ có thể hy vọng được thực hiện thông qua việc tận dụng tối đa và một cách thông minh các công nghệ, từ các phân tích dữ liệu (data analytics), đến tự động hóa (automation), đến “Physical Internet” (xem phần chi tiết bên dưới). Điều này hứa hẹn giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, và có cơ hội đem lại một bước đột phá thực sự trong cách ngành logistics đang hoạt động. Thế nhưng “thích ứng với kỹ thuật số” (digital fitness) là một thách thức lớn đối với ngành này, mà hiện nay đang tụt hậu rất nhiều so với khách hàng. Thu hút các kỹ năng phù hợp là một chuyện, nhưng việc phát triển các chiến lược đúng đắn thậm chí còn quan trọng hơn.
Một môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt là một yếu tố đáng kể khác. Một số khách hàng của ngành đang bắt đầu tự vận hành các hoạt động logistics của riêng họ, và những người mới gia nhập ngành đang tìm cách chiếm lấy phần hấp dẫn hơn của chuỗi giá trị bằng cách khai thác công nghệ kỹ thuật số hoặc những mô hình kinh doanh mới theo kiểu “chia sẻ”, và họ không phải bỏ vốn cho tài sản cố định nặng nề hoặc cho các hệ thống cồng kềnh hiện có khiến hoạt động kinh doanh của họ bị kéo chùng xuống.
“Chia sẻ” (hay Sharing) là một câu chuyện lớn cho ngành logistics hiện nay – từ cách tiếp cận theo phong cách Uber đối với giao hàng chặng cuối (last-mile delivery*), đến một loại công ty liên doanh và hợp tác chính thức hơn ở mức độ doanh nghiệp, toàn bộ ngành này đang định dạng lại sự hợp tác. Nhưng hầu hết những xu hướng này bị cản trở bởi sự thiếu nhất quán trong tất cả mọi thứ như kích thước lô hàng, quy trình vận hành hoặc hệ thống CNTT. Physical Internet hứa hẹn những điều tuyệt vời cho ngành, cùng với sự tiêu chuẩn hóa ngày càng tăng trong hoạt động logistics.
- Những viễn cảnh có thể của ngành logistics
Thị trường logistics sẽ như thế nào trong 5-10 năm? Đó vẫn là một câu hỏi rất mở. Các kịch bản trong tương lai mà PwC khám phá có liên quan đến sự kết hợp của bốn lĩnh vực được đề cập bên trên, được sắp xếp dựa theo mức độ quan trọng của từng xu hướng cụ thể:
Chia sẻ “Physical Internet” (hay còn gọi là PI): chủ đề nổi bật trong kịch bản này là sự phát triển của sự hợp tác, cho phép các công ty dẫn đầu thị trường hiện tại có thể giữ được vị trí thống lĩnh của họ. Điều này có thể, chẳng hạn như, chứng kiến việc sử dụng nhiều hơn các giải pháp “Physical Internet” (hoặc ‘PI’), dựa trên phong trào hướng tới chuẩn hóa nhiều hơn kích thước lô hàng, ghi nhãn mác và hệ thống vận hành.
Khởi nghiệp, khởi đầu sự đột phá: trong kịch bản này, những công ty mới gia nhập ngành dưới hình thức các công ty khởi nghiệp (start-ups) gây nên một tác động lớn hơn cho ngành. Đặc biệt, hoạt động giao hàng chặng cuối (last-mile delivery) vốn thách thức và tốn kém nhất trở nên bị phân mảnh hơn, các công nghệ mới như các giải pháp nền tảng (platform) và chia sẻ (crowd-sharing) cũng được khai thác .Những công ty khởi nghiệp này cộng tác chặc chẽ với những doanh nghiệp chính của ngành và bổ sung hoàn hảo cho dịch vụ của họ.
Cạnh tranh phức tạp: ở đây sự cạnh tranh phát triển theo một hướng khác, khi mà các khách hàng công nghiệp hoặc bán lẻ lớn tự họ trở thành người tham gia vào thị trường logistics, không chỉ quản lý hoạt động logistics của mình mà còn biến sự chuyên môn đó thành một mô hình kinh doanh có lợi nhuận.
Quy mô (scale) cũng là một vấn đề: trong kịch bản này, các công ty dẫn đầu thị trường hiện tại cạnh tranh nhau để có vị trí thống lĩnh trên thị trường bằng cách mua lại các công ty nhỏ hơn, đạt được tính quy mô thông qua hoạt động gom hàng/hợp nhất (consolidation) và đổi mới (innovation) thông qua việc mua lại các công ty khởi nghiệp nhỏ.
Cùng nhau những kịch bản logistics này vạch ra một loạt các khả năng trong bối cảnh mà mỗi công ty sẽ phải cạnh tranh trong tương lai. Điều đó đến lượt nó sẽ mang đến một cơ sở để đánh giá mức độ uyển chuyển và “phù hợp để phát triển” mà chiến lược và kế hoạch hiện tại của bạn đang có.
Định nghĩa “Logistics” trong phạm vi bài này
Có nhiều mô hình kinh doanh khác nhau trong ngành logistics dù đôi khi chúng có thể chồng chéo lên nhau, và mỗi một công ty có thể hoạt động theo nhiều hơn một mô hình. Trong bài viết này, chúng ta xem xét các nhà cung cấp dịch vụ logistics (Logistics Service Providers – LSP), hãng tàu/nhà chuyên chở (carrier), và các công ty chuyển phát nhanh (Courier/Express/Parcel – CEP) và cũng có nhà khai thác bưu chính là những công ty tương ứng trong bối cảnh logistics và CEP.
Không chỉ có mô hình kinh doanh mà cả lợi nhuận cũng khác nhau đáng kể. Ngược lại với các ngành công nghiệp khác, lợi nhuận trong ngành logistics tương đối thấp. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, lợi nhuận EBIT thường khoảng từ -1% đến 8%. Trong khi các nhà chuyên chở có thể có lợi nhuận gần bằng không, thậm chí đôi khi là con số âm, thì các công ty CEP lớn lại là nhóm lợi nhuận nhất, đôi khi tỉ lệ lợi nhuận đạt tới 2 con số.
Khách hàng trong ngành logistics bao gồm cả B2B và B2C. Phần lớn trong tổng số thị trường liên quan đến các giao dịch B2B, với LSP và các nhà chuyên chở chiếm phần lớn doanh thu của ngành. CEP đại diện cho một phân khúc nhỏ hơn, nhưng đang phát triển nhanh hơn; và chỉ khoảng một phần ba doanh thu CEP có được từ B2C.
NHỮNG PHÂN TÍCH CHI TIẾT
- Đột phá và sự không chắc chắn
Kỳ vọng thay đổi của khách hàng
- B2B: Vươn tới hiệu quả và tính minh bạch
Ngành sản xuất đang phải đối mặt với những mong đợi về hiệu quả và hiệu suất hoạt động hơn bao giờ hết. Khách hàng yêu cầu cùng lúc thời gian đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn, giảm bị lỗi và được biến đổi tùy theo khách hàng mong muốn. Cuối cùng, kết quả là một điều đã từng cho bị là bất khả thi: mỗi sản phẩm được sản xuất theo những tiêu chí của một khách hàng cụ thể. Chính sự xuất hiện của IoT (Internet of Things) và cái mà những nghiên cứu khác gọi là “Industry 4.0” cho phép những công ty sản xuất, dù là sản xuất thiết bị công nghiệp, máy bay, xe hơi hay hàng tiêu dùng, đều có thể định hình lại mọi thứ, từ cách họ tương tác với khách hàng cho đến cách họ cấu trúc lại chuỗi cung ứng của mình.
Tất cả những điều này mang lại những ý nghĩa to lớn cho ngành vận tải và logistics. Các LSPs, cụ thể là 3PLs và 4PLs, cần phải tích hợp dữ liệu phân tích và chuỗi cung ứng “xã hội” (social supply chain**) để cung cấp khả năng theo dõi đơn hàng và dự báo tốt hơn nhiều (chưa kể đến chi phí thấp hơn). Các giải pháp kho bãi thông minh sẽ trở nên vô cùng quan trọng. Và điều nói lên ở đây vô cùng rõ ràng: “thích ứng với kỹ thuật số” (digital fitness) đang trở thành một việc mà mỗi công ty logistics “PHẢI” theo đuổi.
- B2C: Những loại hình mua sắm hoàn toàn mới
Nhiều công ty logistics cũng phục vụ khách hàng B2C. Người tiêu dùng chạy theo kỹ thuật số trước các nhà bán lẻ rất lâu và một số bộ phận của ngành vẫn đang phải vật lộn để theo kịp. Các công ty đầu ngành đang áp dụng cái chúng ta gọi là “tác động tổng hợp” (total retail***), mà hiện nay là một mô hình hoạt động đang được áp dụng khắp các loại hình kinh doanh truyền thống (bricks and motar), kinh doanh trực tuyến điện thoại di động và các kênh bán lẻ khác. Total retail được bổ sung bởi “bán lẻ kết nối” (connected retail), nơi mà các nhà bán lẻ nhằm mục đích tạo ra một trải nghiệm thương hiệu liền mạch cho các khách hàng trên khắp các kênh marketing cá nhân, các cửa hàng truyền thống, trải nghiệm kỹ thuật số và các tùy chọn thanh toán, tất cả đều được thúc đẩy bởi một thương hiệu gắn kết mạnh mẽ. Vậy những hệ quả đem lại cho ngành logistics là gì?
Các chủ hàng (shippers) nói chung không phải một phần của trải nghiệm bán lẻ đang được quảng bá thương hiệu. Hầu hết người tiêu dùng cuối cùng tin là những người mà chúng ta gọi là “shipper-agnostic”: họ không quan tâm ai giao hàng họ, miễn là những người này giao đến cho họ một cách tin cậy, nhanh chóng và rẻ. Nhiều người còn muốn giao hàng linh hoạt hơn – dù là về thời gian hay địa điểm – và hầu hết đều không sẵn lòng trả tiền vận chuyển: họ mong đợi được giao miễn phí, mặc dù họ có thể sẵn sàng trả tiền cao hơn cho các dịch vụ bổ sung, chẳng hạn như giao hàng nhanh hơn cho các mặt hàng có giá trị cao. Ngoài ra hiện tại người ta ít chấp nhận giá bưu kiện không cố định; khách hàng mong muốn trả mức giá vận chuyển như nhau bất kể những trở ngại về năng lực theo mùa mà người chủ hàng phải đối mặt, ngoại trừ các phụ phí do yêu cầu giao hàng cùng ngày, giao ban đêm hoặc giao hàng nhanh.
Những đột phá trong công nghệ
- Kỹ thuật số vẫn là một thách thức lớn đối với ngành
Không có ngành công nghiệp nào mà ở đó rất nhiều chuyên gia đánh giá dữ liệu và phân tích (data & analytics) với tầm quan trọng rất cao trong 5 năm tới đây như với ngành vận tải và logistcis – 90% với T&L so với mức trung bình 83%. Ngành này chưa bao giờ tiếp cận nhiều dữ liệu đến vậy. Có rất nhiều cơ hội để cải thiện hiệu suất hoạt động và phục vụ khách hàng tốt hơn, và LSPs, những ngừoi là một phần của một chuỗi giá trị tích hợp kỹ thuật số có thể được hưởng lợi từ những dự báo được cải thiện đáng kể về năng lực quy mô và hoạch định tuyến đường. Việc thêm phương pháp phân tích tự động dựa vào máy vi tính (machine learning) và trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence) vào phân tích dữ liệu có thể mang lại phương pháp định tuyến cực kỳ năng động.
Công nghệ đám mây (Cloud technology) cho phép các giải pháp nền tảng (platform) hoạt động, đến lượt nó khiến cho việc sử dụng các mô hình kinh doanh mới trở nên khả dĩ, chẳng hạn như “giao nhận hàng hóa ảo” (virtual freight forwarding). Công ngheẹ này cũng có thể cung cấp sự linh hoạt và khả năng mở rộng, cũng như quá trình chuẩn hóa và hài hòa trên toàn bộ tổ chức. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các công ty logistics hay nhà chuyên chở mà đã phát triển thông qua hoạt động mua lại, và hiện đang phải dựa vào một sự chắp vá của những hệ thống thừa hưởng lại từ hai công ty cũ.
Tiềm năng kỹ thuật số này rất lớn, nhưng cho đến nay ngành logistics đã khá chậm chạp khi nắm bắt cơ hội này. Trong nghiên cứu “Industry 4.0” gần đây của PwC, tỷ lệ % các công ty T&L đánh giá mình ở mức độ “tiên tiến” trong số hóa (digitalization) chỉ có 28%. Một số khách hàng của ngành đã vượt xa con số này – 41% các công ty ô tô và 45% các công ty điện tử đã xem mình ở mức tiên tiến. Có 50% công ty T&L hiện đang thiếu một “văn hóa kỹ thuật số và đào tạo”, do vậy, đây chính là thách thức lớn nhất đối với họ. Các công ty T&L cùng với các ngành công nghiệp khác trong kế hoạch đầu tư 5% doanh thu mỗi năm cho đến năm 2020, nhưng trong vài năm tới sẽ rất quan trọng: những công ty không bắt đầu sớm có nguy cơ bị bỏ lại đằng sau vĩnh viễn.
- Sự tự động hóa định hình lại nguồn nhân lực
Nhân công là một yếu tố quan trọng của bất kỳ loại hình hoạt động logistics nào, và cho đến bây giờ vẫn luôn có một sự đánh đổi giữa dịch vụ và chi phí. Nhưng tự động phá (automation) đã giúp giải quyết bài toán này, cho phép các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tốt hơn và cùng lúc tiết kiệm chi phí. Một số quy trình tốn nhiều nhân công nhất của ngành đang trên con đường được tự động hoàn toàn hoặc một phần, từ hoạt động kho bãi (như sử dụng hệ thống xếp dỡ tự động, trailer xếp dỡ) đến giao hàng chặng cuối (như giao hàng bằng phương tiện vận tải tự động hoặc máy bay tự động (drones)).
Những tiến bộ trong công nghệ đã đóng góp một phần quan trọng vào quá trình tự động hóa này. Bảng bên dưới vẽ ra những tác động và sự không chắc chắn của từng loại công nghệ ảnh hưởng lên ngành logistics.
Các công ty mới gia nhập ngành
- Các công ty khởi nghiệp (start-up) khởi đầu những mô hình kinh doanh mới
Hầu hết những công ty mới gia nhập ngành đều là start-up bằng việc tìm cách khai thác các công nghệ mới. Họ khai thác công nghệ kỹ thuật số để cung cấp chuẩn tương tác của cước vận tải, hoặc kết hợp các chủ hàng với năng lực sẵn có.
Nhiều công ty mới gia nhập trong ngành giao nhận vận tải đang cung cấp dịch vụ dựa vào việc định giá nhanh nhẹn hơn. Một số cho phép hãng tàu đấu thầu nhiều tải hơn, cho phép họ giảm giá thầu của mình để lấp đầy khoảng trống năng lực. Họ cũng cung cấp báo giá nhanh hơn và minh bạch hơn – ví dụ, bằng cách liên kết thông qua API trực tiếp đến một số lượng lớn các hãng tàu và cung cấp cho khách hàng giá thỏa thuận đối với mỗi hãng tàu để khách hàng có thể so sánh trực tiếp.
Giao hàng chặng cuối (last-mile delivery) cũng đã chứng kiến một làn sóng start-up dữ dội trong những năm gần đây. Một số công ty sử dụng công nghệ để khai thác “nền kinh tế chia sẻ” (sharing economy) bằng cách kết hợp khả năng sẵn có với nhu cầu giao hàng. Uber, hiện nay đang là nền tảng chia sẻ đám đông (crowd-sharing platform) lớn nhất trong vận chuyển hành khách, cũng đang dòm ngó vào thị trường logistics. Họ đã thành lập một dịch vụ xe tải là UberCARGO tại Hong Kong, còn UberRUSH thì cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh bằng cách tập trung vào các nhà bán lẻ trực tuyến. Dolly, một start-up có trụ sở tại Mỹ, cũng có cách tiếp cận tương tự bằng cách giúp mọi người vận chuyển các thứ trong thành phố bằng cách kết nối chúng với các tài xế đã đăng ký. Nimber, một start-up ở Na Uy, kết hợp khách du lịch và người đi đường với người tiêu dùng, những người cần gửi một cái gì đó, dù là một cây đàn piano hoặc ván trượt hoặc tài liệu trong thành phố hay trên toàn quốc.
Các công ty logistics truyền thống làm thế nào để đương đầu với sự phát triển này? Họ biết họ cần phải tìm kiếm cơ hội cho các sản phẩm và dịch vụ mới – một lĩnh vực mà start-up rõ ràng có lợi thế. Tuy nhiên, đầu tư của các LSPs truyền thống vào các start-up logistics kỹ thuật số chỉ chiếm khoảng 6% tổng dòng vốn liên doanh (dưới $10 triệu) – Xem hình bên dưới
- Gia nhập ngành không chỉ có các công ty khởi nghiệp
Những công ty lớn trong các ngành công nghiệp khác có thể có nhiều tiềm năng khuấy động cạnh tranh của ngành. Xe không người lái là một ví dụ điển hình của sự gia nhập của các công ty công nghệ hoặc sự hợp tác giữa ngành ô tô và công nghệ. Nền tảng chia sẻ đám đông (crowd-sharing platform) có thể sẽ xuất hiện từ sự phát triển của xe tự lái hoặc xuất hiện độc lập. Khi sự chia sẻ xe tăng lên, việc sử dụng không gian lưu trữ có sẵn của xe như một cách linh hoạt để mở rộng năng lực (capacity) có lẽ cũng sẽ tăng lên.
Chính khách hàng của ngành logistics cũng có thể trở thành đối tượng đáng kể gia nhập ngành. Amazon là một ví dụ rõ ràng nhất: công ty này đang muốn mở rộng chuyên môn nội bộ của mình trong kho bãi cũng như phát triển khả năng giao hàng của riêng mình. Do đó việc mua lại một chuyên gia tự động hóa nhà kho hiện nay là một phần của đơn vị kinh doanh Amazon Robotics. Công ty đã thuê 20 máy bay để xử lý nhiều lô hàng riêng của mình, và đang thử nghiệm một “Prime Air” giao hàng trong 30 phút sử dụng máy bay tự động (drones). Bloomberg cũng đã báo cáo rằng Amazon có kế hoạch ra mắt các dịch vụ logistics của riêng mình, một dự án được gọi là “Dragon Boat”.
Ở châu Á, Alibaba cũng đang cố gắng cải thiện dịch vụ giao hàng cho người bán hàng của họ bằng cách thành lập Cainiao, một liên doanh với nhiều công ty logistics, một trung tâm bán lẻ, một công ty đầu tư và một công ty với các hoạt động logistics cảng. Ưu điểm chính là giúp họ tiếp cận với một nền tảng dữ liệu logistics, giúp họ đạt được hiệu quả trong thực hiện đơn hàng bằng cách tận dụng năng lực và khả năng của họ ở quy mô lớn. Và công ty liên doanh này cũng đang thử nghiệm những ý tưởng mới, giống như một ứng dụng cho phép người tiêu dùng yêu cầu lấy hàng trả lại hoặc kiện hàng từ nhân viên giao hàng trong khu vực.
Định hình lại sự cộng tác
- Xây dựng đối tác “chặng cuối”
Có rất nhiều ví dụ về sự cộng tác của các công ty lớn trong ngành như FedEx và UPS cũng đã cộng tác với các công ty bưu chính địa phương từ rất sớm. Nhưng với sự lớn mạnh của công nghệ mới, sự cộng tác có thể trở nên năng động hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, sự phân mảnh, trách nhiệm và thiếu nhất quán khiến cho hợp tác trở nên khó khăn hơn. Ví dụ, mỗi công ty có hệ thống dán nhãn riêng của mình, và một số công ty thận trọng trong việc giao lại vận tải chặng cuối (cái vô cùng quan trọng của cuộc hành trình) cho một nhà điều hành mà có thể không thể hiện được thương hiệu và mức độ dịch vụ của riêng họ. Trong giao nhận vận tải, mặc dù các container có kích thước tiêu chuẩn, nhưng các kiện hàng bên trong chúng thì không. Và những mẫu lên tờ khai giấy hay kỹ thuật số sử dụng để thông quan cũng không. Các công ty logistics đã có hợp đồng thì vô cùng hợp tác với các chủ hàng, nhưng thường lại không chia sẻ nguồn lực với các đối thủ cạnh tranh.
- Cộng tác và tiêu chuẩn hóa giúp tăng tính hiệu quả
Đối với nhiều ngành công nghiệp, giả định là có nhiều đối thủ cạnh tranh thì sẽ có lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực logistics nhất định, có những lợi ích đáng kể trong việc có nhiều sự hợp nhất (consolidation) hơn. Theo một ước tính, hiệu quả trong lĩnh vực logistics của châu Âu sẽ tăng 10% đến 30% mà sẽ chuyển thành €100 – €300 tỉ tiết kiệm chi phí cho ngành công nghiệp châu Âu. Physical Internet có thể giúp tiếp cận “thách thức lớn” này bằng cách tăng cường mạnh mẽ sự hợp tác giữa các công ty và giữa các phương thức vận tải thông qua tiêu chuẩn cao hơn (xem định nghĩa Physical Internet)
Mặc dù vậy, để Physical Internet phát huy hiệu quả trong thực tế, các công ty sẽ cần phải sẵn sàng hợp tác xa rộng hơn họ đang làm hiện nay. Hầu hết 535.000 trung tâm phân phối tại Mỹ đều hoạt động độc lập thuộc sở hữu của các công ty khác nhau; hãy tưởng tượng các khoản tiết kiệm nếu tất cả chúng được kết nối, và quy trình công việc được chuẩn hóa cho hiệu suất tối đa.
- Những loại hình cộng tác khác
Có rất nhiều cách ít triệt để hơn để các công ty logistics có thể sử dụng tài sản hiệu quả hơn thông qua cộng tác. Ví dụ, bằng cách chia sẻ các đội xe, mạng lưới và thiết lập các thỏa thuận tương tự như các công ty bưu chính mua tải trên chuyến bay từ các công ty chuyển phát thương mại, hoặc các mã chia sẻ được sử dụng bởi các hãng hàng không. Chẳng hạn như DB Schenker gần đây đã ký một hợp đồng 5 năm với một nhà cung cấp dịch vụ trao đổi cước trực tuyến uShip, để phát triển một nền tảng (platform) để kết nối các tài xế xe tải và các lô hàng một cách hiệu quả hơn.
Nhiều công ty trong lĩnh vực này cũng đang chuyển sang hình thức M & A, liên doanh và liên minh như là một cách để đạt được sự cộng tác. Trong năm 2015, giá trị thỏa thuận M & A gần gấp đôi so với năm 2014, mà phần nhiều do các công ty đầu ngành tìm cách mở rộng hoạt động quốc tế và các dịch vụ của họ. Nhưng với sự đột phá (disruption) đang trên đà phá triển, cũng có thể có nhiều cơ hội tận dụng các thương lượng nhằm nâng cao năng lực trong các lĩnh vực chủ chốt; kỹ thuật số là một ví dụ điển hình.
- Những kịch bản tương lai của logistics
PwC đã cố gắng miêu tả 4 kịch bản có thể xảy ra đối với ngành logistics trong tương lai 5 đến 10 năm tới, nhưng đã giới thiệu qua ở phần đầu, đó là: chia sẻ PI, làn sóng khởi nghiệp, vấn đề quy mô và cạnh tranh phức tạp.
Chia sẻ PI
Các công ty chủ chốt trong ngành tăng hiệu quả và giảm thiểu tác động đến môi trường bằng cách cộng tác nhiều hơn, và phát triển các mô hình kinh doanh mới, chẳng hạn như chia sẻ mạng lưới. Nghiên cứu xung quanh “Physical Internet” (PI) hướng đến các tiêu chuẩn chung về kích cỡ lô hàng, sự kết nối nhiều hơn giữa các phương thức vận tải và các yêu cầu về CNTT giữa các nhà chuyên chở.
Điều gì thúc đẩy xu hướng này?
Có nhiều nhân tố, nhưng nguyên nhân chính là khách hàng đòi hỏi sản phẩm đến tay họ phải rẻ, xanh và nhanh hơn, đồng thời nhiều khách hàng công nghiệp mong đợi sự thoải mái khi cộng tác với các công ty logistics. Cùng lúc đó, các tiêu chuẩn kỹ thuật số (digital standards) và tiêu chuẩn vật chất (physical standard) mới ra đời, hầu như liên quan mật thiết đến Physical Internet giúp các công ty dễ dàng chia sẻ năng lực hơn.
Xu hướng này mang lại ý nghĩa gì cho các công ty logistics?
Các công ty CEP dựa vào thương hiệu mạnh mẽ để đạt lợi nhuận thông qua hợp tác với các công ty khác để bù đắp cho những tuyến ít lợi nhuận hơn. Các công ty 3PL, 4PL và giao nhận vận tải bắt đầu xây dựng quan hệ đối tác với khách hàng, những người có sở hữu đội xe riêng. Các công ty vận tải biển và đường bộ có vẻ là những người hưởng lợi nhiều nhất từ tiêu chuẩn PI mới bởi vì nó sẽ giúp họ dễ dàng tận dụng năng lực của nhau. Kho bãi cũng đạt lợi ích từ việc giảm chi phí nhờ vào các hệ thống xếp dỡ, lấy hàng tự động dựa trên các tiêu chuẩn PI mới được áp dụng.
Tuy nhiên, an ninh mạng sẽ là một vấn đề quan trọng một khi các công ty chuyển sang tiêu chuẩn dữ liệu mới và chia sẻ dữ liệu nhiều hơn.
Làn sóng khởi nghiệp
Các công ty khởi nghiệp có thể trở thành những đối thủ đáng kể trong ngành khi họ xây dựng các mô hình kinh doanh mới dựa trên phân tích dữ liệu (data analytics), blockchain và các công nghệ khác để chiếm lĩnh một phần trường giao hàng chặng cuối (last-mile delivery), với giải pháp chia sẻ đám đông (crowd-sharing)
Điều gì thúc đẩy xu hướng này?
Đổi mới công nghệ và thói quen tiêu dùng thay đổi của khách hàng chính là những nhân tố then chốt. Trong phân khúc hàng bưu kiện/chuyển phát nhanh (CEP), các công ty khởi nghiệp tận dụng xu hướng nền kinh tế chia sẻ đang ngày càng được khách hàng ưa chuộng để phát triển các giải pháp chia sẻ đám đông, đôi khi liên kết với chia sẻ phương tiện (car-sharing). Các công ty khởi nghiệp hướng đến xây dựng nền tảng (platform) để tổng hợp sự tiếp cận đến với chủ hàng và nhà chuyên chở. Các giải pháp loigistics áp dụng công nghệ blockchain đã được các công ty khởi nghiệp khai thác và đang trên đà phát triển, điển hình là tài liệu thương mại, thông quan và tài chính thương mại được số hóa.
Lĩnh vực giao nhận trở nên rất phân mảnh, các công ty khởi nghiệp (bao gồm 4PL start-up) bổ sung và tăng cường dịch vụ của 3PL thông qua các hợp đồng thầu phụ.
Các nhà vận hành CEP sẽ phải cạnh tranh với các start-up.
Vận tải và logistics là những lĩnh vực sẽ được tự động hóa nhiều nhất, nhưng trình tự thời gian áp dụng khác nhau. Chẳng hạn như hoạt động phân loại và lấy hàng sẽ được tự động hóa nhanh hơn giao hàng chặng cuối.
Các khách hàng công nghiệp sẽ hưởng lợi từ những dịch vụ logistics áp dụng công nghệ tiên tiến này, được cung cấp bởi sự kết hợp giữa các công ty chính thống và các start-up.
Khách hàng nhà bán lẻ có nhiều lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ giao hàng chặng cuối và kết quả là chi phí giao hàng thấp hơn.
Người tiêu dùng tham gia vào các giải pháp chia sẻ đám đông có thể kiếm thêm thu nhập. Họ có nhiều sự uyển chuyển hơn trong việc tham gia vào các giải pháp logistics dựa trên nền tảng (platform-based) từ bán thời gian đến toàn thời gian.
Cạnh tranh phức tạp
Những ông lớn trong ngành bán lẻ mở rộng các dịch vụ logistics của họ không chỉ để phục vụ cho nhu cầu của riêng họ mà xa hơn, chuyển dịch một cách hiệu quả từ vị thế là khách hàng sang làm đối thủ cạnh tranh với các công ty logistics. Họ mua lại các công ty logistics nhỏ để bao phủ các thị trường lớn, và để có những hiểu biết sâu sắc về hành vi của khách hàng nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Các công ty công nghệ đã từng là nhà cung cấp của ngành cũng tham gia vào sân chơi logistics và cũng trở thành đối thủ cạnh tranh.
Điều gì thúc đẩy kịch bản này?
Bối cảnh cạnh tranh đang thay đổi vô cùng sâu sắc. Các nhà bán lẻ trực tuyến bắt đầu tự vận hành hoạt động logistics của mình (một số trường hợp công ty chỉ giảm việc sử dụng dịch vụ bên ngoài chứ không thay thế hoàn toàn) nhằm tận dụng tối đa năng lực hiện có. Các chuỗi của hàng tạp hóa và trung tâm mua sắm cũng bắt đầu kết hợp hệ thống vật chất và trực tuyến với nhau nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng.
Nhà cung cấp cũng gia nhập ngành. Bởi nếu các công nghệ mới như phân tích dữ liệu, robot tiên tiến, máy bay tự động, phương tiện tự lái tiếp tục phát triển phức tạp hơn, nhân sự của các LSP sẽ không còn đủ năng lực để vận hành chúng, điều đó khiến các nhà cung cấp công nghệ nhảy vào cuộc thông qua cung cấp các dịch vụ logistics dựa trên trình độ chuyên môn của họ.
Sản xuất dựa trên in 3-D đang trên đà phát triển và giúp giảm nhu cầu vận tải về mặt tổng thể. Để đối phó với tình hình, các công ty LSP thử nghiệm những mô hình kinh doanh mới, như phát triển trạm trung chuyển in 3-D, và khả năng in 3-D tại các địa điểm của khách hàng, hoặc cung cấp các nền tảng (platform) với chuẩn mực in 3-D. Các công ty LSP do đó sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với chính các khách hàng của họ.
Xu hướng này hàm ý điều gì?
Các công ty CEP bị giảm sản lượng và vì vậy càng khó khăn hơn trong việc khai thác toàn bộ năng lực. Các công ty 3PL có lẽ sẽ phải hợp tác với các công ty về tự động để cải thiện hoạt động của kho bãi.
Các nhà bán lẻ trực tuyến tự vận hành hoạt động logistics của mình, giảm phụ thuộc vào LSP sẽ đạt được lợi thế cạnh tranh hơn so với các nhà bán lẻ khác. Những tiến bộ hơn trong tự động hóa và robot hóa giúp giảm chi phí logistics cho các khách hàng công nghiệp.
Quy mô cũng là một yếu tố đáng chú ý
Các công ty chủ chốt tăng hiệu quả bằng cách tinh giản các hoạt động của họ và tận dụng hoàn toàn các công nghệ mới. Họ tài trợ cho công nghệ mới đầy hứa hẹn với các khoản đầu tư mạo hiểm, và thu hút nhân viên mới với các kỹ năng quan trọng và có chuyên môn trong cạnh tranh để tạo ra một vị trí thống lĩnh thị trường. Những công ty chính hợp nhất để mở rộng quy mô địa lý của họ và tăng cường độ bao phủ trên khắp các phương thức vận tải.
Điều gì thúc đẩy xu hướng này?
Công nghệ tiếp tục được cải thiện, nhưng sự phát triển của nó bị chi phối bởi các nghiên cứu của những công ty chủ chốt trong ngành và sự thôn tính của họ đối với những công ty mới gia nhập ngành trong các lĩnh vực công nghệ cụ thể. Quy mô và hiệu quả của mạng lưới tiếp tục là nguồn lực quan trọng của lợi thế cạnh tranh, và xu hướng hợp nhất/gom hàng (consolidation) đang tăng tốc. Chìa khóa để thành công trong mô hình này là mua lại đúng công ty start-up vào đúng thời điểm: quá sớm thì tính đầu cơ quá cao, quá muộn thì giá sẽ quá cao.
Xu hướng này nói lên điều gì?
Tiếp cận nguồn vốn trở thành một nhân tố khác biệt quan trọng, cho cả việc thúc đẩy R & D nội bộ và tài trợ cho các công nghệ tăng cường hiệu quả như phân tích dữ liệu, blockchain và tự động hóa. Các hãng tàu mong muốn thiết lập vị trí thống trị bằng cách thúc đẩy M & A trong vận tải đường bộ và đường biển. Các công ty CEP tăng hiệu quả trong giao hàng chặng cuối cùng bằng cách giới thiệu các công nghệ mới như máy bay tự động (drone) phục vụ cả khách hàng B2B và B2C, nhằm đạt được USP (unique selling points – điểm tạo sự khác biệt cho sản phẩm/dịch vụ) trong một thị trường cạnh tranh cao như vậy.
Về phía khách hàng, họ được hưởng lợi nhiều hơn từ chi phí giảm và hiệu quả tăng, tốc độ giao hàng và chất lượng dịch vụ được cải thiện. Các công nghệ mới trong giao hàng và tương tác với khách hàng ngày càng tinh xảo, thân thiện hơn với khách hàng và mang lại cho họ sự thoải mái.
“Khi nhìn về tương lai, chúng tôi thấy sự đột phá, sự va chạm, sự đổ vỡ, sự chuyển đổi nhưng trên hết chúng tôi thấy cơ hội. Còn bạn, bạn thấy gì khi nhìn về tương lai của logistics?”
—-
*Tham khảo last-mile delivery/transportation tại bài https://gosmartlog.com/van-tai-trong-nganh-fmcg-can-lam-mot-cach-tiep-can-chien-luoc/
** “Social” supply chain: sử dụng các dữ liệu, mạng lưới và các tương tác xã hội để tích hợp vào chuỗi cung ứng. Ví dụ, bạn đang phân phối một sản phẩm ở vùng A và bạn nhận biết một thị trường tiềm năng cho sản phẩm này ở một vùng lân cận thông qua một trang web xã hội mà công ty bạn quản lý / có được thông tin. Do vậy bạn thiết kế chuỗi cung ứng của mình một cách uyển chuyển sao cho có thể tiếp cận thị trường lân cận này trên đường cung cấp sản phẩm cho vùng A.
*** Total retail: hay còn gọi là total retail experience, là một tập hợp nhiều yếu tố khác nhau được nhà bán lẻ kết hợp để tạo nên hiệu ứng trải nghiệm tổng hợp cho khách hàng (còn được biết đến là total customer experience)
—-
Nguồn: Smartlog trích từ PwC’s future in sight series, “Shifting patterns” – The future of logistics, 2016
- MAERSK VIỆT NAM - 30 NĂM GHI DẤU TRÊN BẢN ĐỒ LOGISTICS QUỐC TẾ (01.11.2021)
- NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO - YẾU TỐ THÚC ĐẨY LOGISTIC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG (31.10.2021)
- TỰ CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HOÁ - QUY ĐỊNH UKVFTA ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ TỪ VƯƠNG QUỐC ANH VÀ VIỆT NAM (30.10.2021)
- LOGISTICS ĐƯỜNG BIỂN - ĐÓN ĐẦU XU HƯỚNG XUẤT SIÊU NGÀY CÀNG TĂNG (29.10.2021)
- THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ - CÙNG SÓNG BƯỚC VỚI NGÀNH LOGISTICS (28.10.2021)
- LƯU THÔNG HÀNG HOÁ - DUY TRÌ ỔN ĐỊNH TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID - 19 (27.10.2021)
- XUẤT KHẨU THUỶ SẢN, TRÁI CÂY - DUY TRÌ VÀ MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG CHỦ LỰC (26.10.2021)
- HẢI QUAN SỐ VÀ MÔ HÌNH HẢI QUAN THÔNG MINH (25.10.2021)
- HIỆP HỘI LOGISTICS TP HỒ CHÍ MINH - CẦU NỐI CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN QUỐC (24.10.2021)
- CHỈ SỐ HIỆU QUẢ LOGISTICS VIỆT NAM VƯƠN LÊN VỊ TRÍ THỨ BA ASEAN (23.10.2021)