KHU VỰC CÁI MÉP CÓ NHIỀU TIỀM NĂNG, LỢI THẾ
BR-VT có đường bờ biển dài 312,8km với nhiều cảnh quan tươi đẹp và ít có thiên tai, rất thuận lợi để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là các lĩnh vực cảng biển, dịch vụ logistic, khai thác hải sản, du lịch… Theo quy hoạch, đến năm 2020 tỉnh có 57 bến cảng, hiện đã đưa vào khai thác 28 bến cảng với công suất 98 triệu tấn/năm, tổng chiều dài cầu bến là 11,6 km. Riêng tại khu vực Cái Mép- Thị Vải có 35 bến cảng trong đó 17 bến đã đi vào khai thác. Theo thống kê của Bộ GTVT, trong 5 năm qua, sản lượng hàng hóa thông qua cảng hàng năm của cụm cảng Cái Mép- Thị Vải đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với các cảng, cụm cảng khác tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Nhằm tiếp tục nâng cao công suất khai thác hệ thống cảng, ngoài các giải pháp trước mắt theo ông Nguyễn Thành Long, BR-VT cũng đã triển khai nhiều giải pháp dài hơi nhằm tập trung khai thác thế mạnh về cảng biển. Trong đó về phát triển dịch vụ hậu cần cảng, tỉnh đã lập đề án Quy hoạch tổng thể phát triển dịch vụ logistics với quy mô trên 1.000 ha, trong đó tập trung quy hoạch và đầu tư trung tâm logistics với quy mô khoảng trên 800 ha tại khu vực Cái Mép Hạ. Trong chính sách thu hút đầu tư, tỉnh cũng ưu tiên các loại hình kinh tế, dịch vụ lấy phát triển hệ thống cảng và dịch vụ hậu cần cảng làm nhiệm vụ trọng tâm trong đó ưu tiên logistics. Trong đó, một trong 7 dự án, lĩnh vực đang được ưu tiên hiện nay trong lĩnh vực logistics là dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ với tổng diện tích 800 ha và dự án trung tâm logistics tại khu công nghiệp Cái Mép với diện tích khoảng 100 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2.500 tỉ đồng.
Có mặt tại Cảng Tân cảng - Cái Mép Thị Vải chúng tôi ghi nhận không khí khẩn trương nơi đây với những chuyến hàng nối nhau vào càng. Ông Trần Khánh Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Tân Cảng – Cái Mép Thị Vải (tên viết tắt TCTT) trực thuộc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (TCT TCSG) cho biết, TCTT là cảng nước sâu, nằm trong hệ thống cảng biển BR-VT, bên bờ trái sông Thị Vải, có năng lực thông qua 1.5 triệu Teu/năm. Cảng TCTT đã kết nối cùng Tân cảng - Cái Mép (TCCT) và cảng container quốc tế Tân cảng - Cái Mép (TCIT) thuộc hệ thống Tân cảng Sài Gòn tạo thành cụm cảng nước sâu trung chuyển quốc tế liên hoàn lớn nhất Việt Nam (với 1.500m cầu tàu, 110ha bãi, kho hang), giữ vai trò là cầu nối quan trọng cho hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và thế giới. Những năm qua, đặc biệt năm 2016, cảng TCTT cùng cảng TCIT và TCCT của TCTY TCSG đã xếp dỡ gần 1,5 triệu Teus container thông qua khu vực, chiếm thị phần xấp xỷ 70% sản lượng container của khu vực Cái Mép, trong đó sản lượng container của cảng TCTT đạt 232.000 T.E.U thông qua.
Theo Chi cục Biển và Hải đảo (Sở TN-MT), không chỉ có tiềm năng để phát triển kinh tế cảng biển, BR-VT còn có mạng lưới sông ngòi chằng chịt chảy ra biển, tạo hệ thống rừng ngập mặn có giá trị sinh học cao với nhiều loài động thực vật phong phú, đa dạng. Vùng biển của BR-VT rộng gần 100.000km2 cũng được đánh giá là ngư trường có trữ lượng cá lớn với nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, vùng biển của BR-VT có trữ lượng dầu mỏ cao nhất cả nước với tổng sản lượng khai thác hàng năm là 20 triệu tấn dầu. Đây là cơ sở để phát triển ngành khai thác, đánh bắt thủy sản và khai thác dầu khí. Nhiều năm qua, các nguồn lợi từ biển đã đóng góp to lớn vào quá trình phát triển đất nước. Trong đó, các ngành kinh tế biển như khai thác dầu khí, hải sản, vận tải biển và dịch vụ cảng biển, du lịch biển… đóng góp khoảng 20%-22% GDP cả nước.
PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện chiến lược chính sách TN-MT (Bộ TN-MT) nhận định, BR-VT có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế tổng hợp với những lợi thế so sánh chủ yếu. Đó là có hệ thống cảng biển nước sâu Cái Mép – Thị Vải đóng vai trò cảng trung chuyển container quốc tế, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn đến 200.000 tấn. Có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, kết nối hạ tầng giao thông hoàn chỉnh với các tuyến Quốc lộ (51, 55 và 56), cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành và cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai. Tỉnh có nguồn tài nguyên (khí thiên nhiên, điện, nước) đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp của tỉnh như: thép, hóa dầu, năng lượng… là nguồn nguyên liệu đầu vào cho các ngành liên quan trong chuỗi cung ứng giá trị, tăng tỷ lệ nội địa hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
- MAERSK VIỆT NAM - 30 NĂM GHI DẤU TRÊN BẢN ĐỒ LOGISTICS QUỐC TẾ (01.11.2021)
- NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO - YẾU TỐ THÚC ĐẨY LOGISTIC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG (31.10.2021)
- TỰ CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HOÁ - QUY ĐỊNH UKVFTA ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ TỪ VƯƠNG QUỐC ANH VÀ VIỆT NAM (30.10.2021)
- LOGISTICS ĐƯỜNG BIỂN - ĐÓN ĐẦU XU HƯỚNG XUẤT SIÊU NGÀY CÀNG TĂNG (29.10.2021)
- THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ - CÙNG SÓNG BƯỚC VỚI NGÀNH LOGISTICS (28.10.2021)
- LƯU THÔNG HÀNG HOÁ - DUY TRÌ ỔN ĐỊNH TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID - 19 (27.10.2021)
- XUẤT KHẨU THUỶ SẢN, TRÁI CÂY - DUY TRÌ VÀ MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG CHỦ LỰC (26.10.2021)
- HẢI QUAN SỐ VÀ MÔ HÌNH HẢI QUAN THÔNG MINH (25.10.2021)
- HIỆP HỘI LOGISTICS TP HỒ CHÍ MINH - CẦU NỐI CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN QUỐC (24.10.2021)
- CHỈ SỐ HIỆU QUẢ LOGISTICS VIỆT NAM VƯƠN LÊN VỊ TRÍ THỨ BA ASEAN (23.10.2021)